Các bạn tân sinh viên khi đi thuê nhà trọ, phòng trọ thường khá bối rối với những bản hợp đồng mà mình chưa từng tiếp xúc lần nào, gây ra tâm lý hoang mang không biết chủ nhà trọ có lừa đảo mình hay không, bài viết hôm nay Blog Nhà Xinh sẽ chia sẻ một số mẫu hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ thông dụng và giải đáp các điều khoản trong hợp đồng một cách cụ thể nhất, tham khảo bài viết bên dưới nhé.
Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ và hợp đồng thuê nhà trọ 2020
Khái niệm phòng trọ và nhà trọ hoàn toàn khác nhau nên các bạn khi đi thuê chỗ ở trọ cần phải biết được vấn đề này, căn cứ theo các điều khoản trong hợp đồng thì nếu thuê nhà trọ thì sẽ tính theo diện tích cho thuê, đối với phòng trọ thì trong hợp đồng phải ghi rõ là thuê 01 phòng trọ bên trong nhà, hết sức lưu ý vấn đề này nhé các bạn.
A. Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ
Tải hợp đồng thuê phòng trọ tại đây: CLICK
Sau khi nhận được mẫu hợp đồng cho thuê phòng trọ bên phía người cho thuê, người đi thuê cần phải đọc kỹ một hai lần trước khi điền đầy đủ thông tin vào bản hợp đồng, người cho thuê phòng trọ và người thuê phòng trọ cần phải điền chính xác thông tin cá nhân của mình tránh việc phát sinh tranh chấp về sau.
Các điều khoản mà người đi thuê phòng trọ cần đặc biệt chú ý trong hợp đồng đó thỏa thuận giá tiền thuê phòng trọ, tiền điện, tiền nước, tiền wifi (nếu có), tiền vệ sinh (nếu có), nếu phát hiện khoản chi phí nào chưa được liệt kê bên trong hợp đồng thì cần phải nhắc người cho thuê bổ sung, các chi phí thuê phòng trọ phải được liệt kê đầy đủ và nhất trí với nhau ngay từ lúc đầu hạn chế việc phát sinh sau này. Ngoài ra, bạn cần phải chú ý đến thời gian hợp đồng có hiệu lực và thời điểm kết thúc hợp đồng, nên hỏi xem nếu kết thúc hợp đồng thì có được thuê tiếp hay không.
Tiếp đến đó là trách nhiệm của hai bên, bạn cần chú ý kỹ về trách nhiệm của bản thân đối với phòng trọ, hầu hết các bản hợp đồng đều tồn tại song song trách nhiệm của hai bên và một khi đã ký thì phải tôn trọng bản hợp đồng mình vừa ký xong, bởi các hành vi sai phạm liên quan đến hợp đồng đều phải bồi thường bằng tiền mặt.
Điểm cuối cùng cần chú ý đó là điều khoản “đơn phương chấm dứt hợp đồng”, điều khoản này có thể hiểu là, khi một trong hai bên cho thuê hoặc bên thuê có hành vi vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền “đơn phương chấm dứt hợp đồng” và nếu có phát sinh thiệt hại thì bên vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm.
Sau khi ký hợp đồng thì mọi hành vi vi phạm đều do pháp luật giải quyết, bản hợp đồng này sẽ được chia thành 02 bản giống nhau, mỗi bên giữ 01 bản.
B. Mẫu hợp đồng cho thuê nhà trọ
Tải hợp đồng thuê nhà trọ tại đây: CLICK
Nếu quan sát kỹ thì mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2020 có nhiều điều khoản mà hai bên cần phải cam kết hơn rất nhiều so với mẫu hợp đồng thuê phòng trọ, vì vậy khi nhận được bản hợp đồng cho thuê nhà trọ từ phía người cho thuê, người thuê cần phải đọc thật kỹ các điều khoản trước khi đặt bút ký nhé, các điều khoản mà mình cần chú ý bao gồm.
Điều 1: Nội dung hợp đồng
1.1: Nhà cho thuê
Bên trong điều khoản này bao gồm địa chỉ nhà trọ cho thuê, diện tích cho thuê là bao nhiêu, cho thuê bao nhiêu phòng trong căn nhà đó và có bao gồm luôn cả tầng thượng, sân phơi đồ, ban công hay không. Có thể hiểu đơn giản điểm khoản 1.1 chỉ ra trong căn nhà đó người cho thuê sẽ cho phép người thuê sử dụng những không gian nào bên trong căn nhà.
Đồng thời, người cho thuê sẽ ghi rõ ra những trang thiết bị, vật dụng thiết yếu cho thuê kèm theo bên trong căn nhà và người thuê phải chịu trách nhiệm với những vật dụng này nếu xảy ra hư hại.
1.2: Mục đích thuê nhà
Khoản này người thuê cần phải ghi rõ bạn thuê nhà để làm gì, nếu để ở thì số lượng người ở là bao nhiêu cũng cần phải ghi rõ bên trong hợp đồng.
1.3: Giá thuê nhà trọ
Về giá thuê, hai bên phải thống nhất với nhau và điền vào hợp đồng cho thuê, đồng thời tiền wifi, điện, nước, vệ sinh sẽ tính như thế nào cũng cần phải ghi rõ trong hợp đồng.
1.4: Thời hạn cho thuê
Thời gian hợp đồng bắt đầu có hiệu lực và thời gian kết thúc hợp đồng cũng phải được liệt kê và người thuê cần phải chú ý kỹ điều khoản này và nếu có ý định gia hạn hợp đồng thì phải ghi rõ bên trong hợp cho hai bên được rõ.
1.5: Hình thức thanh toán
Điều khoản này đề cập đến thời gian thanh toán mỗi tháng và thời gian thanh toán lần đầu khi thuê nhà trọ, bên cạnh đó hình thức thanh toán cũng cần phải ghi rõ, ví dụ thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản.
Điều 02: Quyền và nghĩa vụ các bên
Quyền và nghĩa vụ của các bên được thỏa thuận trước khi lập hợp đồng và hai bên cần xem xét kỹ lại một lần nữa nếu thấy thiếu sót hoặc không đúng như thỏa thuận ban đầu thì cần yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa đến khi nào cả hai cảm thấy vừa ý.
Điều 03: Chấm dứt hợp đồng
Điều khoản này nêu rõ thời hạn chấm dứt hợp đồng và bổ sung thêm điều kiện “đơn phương chấm dứt hợp đồng”, nếu bên thuê hoặc bên cho thuê vi phạm sẽ có quyền đơn phương chấm dứt, nếu phát sinh thiệt hại thì bên vi phạm phải bồi thường theo thỏa thuận, cần phải ghi rõ luôn cả phần chấm dứt hợp đồng do lý do bất khả kháng.
Điều 04: Cam kết của các bên
Điều khoản này là cam kết của các bên sau khi đã đọc xong hợp đồng, nếu có vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chế tài xử lý vi phạm sẽ hoàn toàn căn cứ vào bản hợp đồng.
Hai bên ký vào hợp đồng và thực hiện theo đúng những gì đã cam kết.
Những câu hỏi thường gặp về hợp đồng cho thuê phòng trọ và nhà trọ 2020
Những bạn sinh viên lần đầu thuê phòng trọ và nhà trọ thường khá bối rối khi đối diện với hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ, bài viết lần này Blog Nhà Xinh cũng sẽ tổng hợp một số câu hỏi thường gặp liên quan đến hợp đồng cho thuê phòng trọ và nhà trọ để các bạn được rõ hơn.
1. Có nhất thiết phải ký hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ hay không?
Nhiều bạn vẫn nghĩ, chỉ cần xác lập thỏa thuận giữa hai bên bằng lời nói là được rồi, không cần phải ký hợp đồng làm gì cho rườm rà, tuy nhiên khi bạn thuê phòng trọ tại các thành phố lớn hiện nay, hầu hết các thỏa thuận đều phải được xác lập bằng văn bản, rất ít chủ trọ nào dám giao phòng cho bạn mà chưa ký kết xong hợp đồng.
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điều 385, 472 của Bộ luật dân sự 2015 và Luật nhà ở 2014 thì:
- Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
- Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hai bên cần xác lập hợp đồng với nhau để tránh phát sinh tranh chấp sau này trong quá trình thuê và có căn cứ để giải quyết khi tranh chấp xảy ra.
2. Hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ có cần phải công chứng không?
Theo quy định của tại điều 492 Bộ luật dân sự 2005 thì:
“Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
3. Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trước tiên, bạn cần phải căn cứ vào hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ của bạn có quy định gì về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hay chưa, nếu có thì xử lý vi phạm như thế nào?
Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận thì sẽ căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015 và cứ theo đó xử phạt, cụ thể như sau:
Điều 360, 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng như sau:
Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."
Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
- Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
- Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
- Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
4. Làm sao để chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ mà không mất tiền cọc và không bị xử phạt?
Để chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ, nhà trọ mà không bị mất tiền cọc hay xử lý theo quy định của pháp luật thì bạn cần tuân thủ theo điều 131 và 132 luật cho thuê nhà ở 2014:
Điều 131. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở
1. Trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật này.
2. Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;
b) Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
c) Nhà ở cho thuê không còn;
d) Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;
đ) Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.
Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 của Luật này.
Điều 132. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
1. Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này;
b) Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;
d) Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
đ) Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
e) Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;
g) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.
3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây:
a) Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
b) Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;
c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
4. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên trên là những câu hỏi thường gặp liên quan đến hợp đồng cho thuê phòng trọ, nhà trọ mà Blog Nhà Xinh nhận được từ các bạn tân sinh viên, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn trong quá trình tìm thuê phòng trọ tại các thành phố lớn, cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, nếu có thắc mắc các bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua hộp thư góp ý ở bên phải, cảm ơn các bạn.
Xem thêm:
Cách trang trí phòng trọ nhỏ, hẹp có gác lửng chỉ với 900k
Kinh nghiệm thuê phòng trọ 2020 tại TP.HCM cho tân sinh viên 2k2